Ngồi trong nhà hát lớn, bạn chỉ có một cách duy nhất là trật tự tối đa nhằm không làm ảnh hưởng đến người khác và dõi theo một cách chăm chú nhất có thể màn trình diễn của nghệ sĩ, dàn nhạc hay hợp xướng… Thế nhưng, ngồi nhà hay chụp tai nghe lên, chỉ có một mình bạn đang nghe, bạn sẽ có một số lựa chọn hoặc chọn tất cả các cách đó để nghe.
Cô giáo của con tôi là nghệ sĩ piano, có học vị tiến sĩ mà khi nghe một concerto cho piano và dàn nhạc, cô dành cả tháng để nghe… “cho nó ngấu”. Tất nhiên, cũng một phần do cô nghe bằng tai nghe và nhạc là MP3. Nghe theo tiêu chuẩn audiophile, cô có thể tiết kiệm được thời gian nhưng cũng sẽ không tiết kiệm được nhiều vì mục đích của cô cho thấy cô muốn nghe đến mức “sao lưu” dữ liệu của concerto đó vào đầu, lúc cần, không có thiết bị, cô vẫn cho nó bật lên được.
Một người quen khác từng có rất nhiều kinh nghiệm audio và là chuyên gia của một hãng kinh doanh trang thiết bị, thiết kế phòng nghe… thì nghe theo kiểu cuốn chiếu, từng chương, từng chương nối đuôi nhau nhưng theo kiểu này. Đầu tiên bật nghe chương Một. sau bật nghe chương Một cộng chương Hai. Sau nữa là Một, Hai và cuối cùng là Ba. Một phần thời gian đáng kể được anh ấy dành cho nghiên cứu lai lịch tác phẩm, tác giả, nghệ sĩ, phòng thu, hãng đĩa…
Một kiểu nghe khác nữa là mua đĩa, xem bìa, xem sách giới thiệu xong đút đĩa vào hộc, cho nó chạy lặp (repeat). Được một lượt rồi quay sang lướt web, vào cả wiki… Kiểu nghe này có vẻ “phản động”, “quay lưng” lại âm nhạc nhưng thật ra nó rất tác dụng vì tự nhiên nhạc nó vào đầu mình lúc nào không biết mà vẫn làm được việc khác. Các giáo sư Nga thường khuyên học sinh tập nghe nhạc theo cách này (nghe thụ động) vì mục đích cuối cùng không phải là đếm từng nốt nhạc nghe được mà là thẩm thấu tinh thần bản nhạc. Do đặc thù công việc, tôi thường nghe kiểu này.
Còn một kiểu nữa là nghe như thiền. Đã bước vào phòng nghe là không còn vấn vương gì khác. Đặt đĩa lên là dõi theo dòng suối nhạc đến mức không được lơ đãng làm đứt quãng. Kiểu nghe này rất khó áp dụng với số đông vì gia cảnh, làm sao có thể ngăn không cho ai làm phiền khi đang nghe được. Hoặc, khi có người bỗng nhiên đi qua mà phải nghe lại cả bản giao hưởng thì thời gian đâu cho đủ. Tuy khó áp dụng nhưng đến một chừng mực nào đó, người nghe sẽ nghe theo kiểu này. Đây chính là kiểu nghe của người đang ngồi trong nhà hát vậy. Theo kiểu này, mỗi ngày chỉ nên nghe 2 – 3 giờ.
THL (St)