Máy Cassette lưu giữ những hoài niệm xưa

Máy Cassette là một thiết bị dùng để lưu trữ dữ liệu là tín hiệu âm thanh. Tại Việt Nam, khi nói đến cassette, thường được nghĩ đến băng nhạc Cassette hay băng nhạc, xa hơn chút là nghĩ đến máy Cassette. Sản phẩm này được phát triển bởi công ty Royal Philips của Hà Lan ở Hasselt, Bỉ, bởi Lou Ottens và nhóm của ông và được đưa ra thị trường vào tháng 9 năm 1963.
Ông Lou Ottens có ý tưởng và tham gia phát triển băng cassette từ đầu những năm 1960. Khi đó Ottens mong muốn phát triển một thiết bị để mọi người có thể nghe nhạc với giá cả phải chăng, dễ tiếp cận mà các loại băng cuộn lớn (băng cối) vào thời điểm đó không làm được. Vì vậy, ông tạo ra một nguyên mẫu băng cassette bằng gỗ có thể nhét vừa trong túi của mình để giúp định hướng dự án. Sau đó ông cũng làm việc để thuyết phục hãng Philips cấp phép miễn phí phát minh của mình cho các nhà sản xuất khác. Với nỗ lực của mình, Lou Ottens và hãng Philips giới thiệu “băng cassette nhỏ gọn” đầu tiên vào năm 1963. Việc phát minh ra “băng cassette nhỏ gọn” là cuộc cách mạng trong việc thưởng thức âm nhạc. Nó cho phép mọi người nghe các bài hát và album yêu thích khi đang di chuyển chứ không còn bó buộc cố định.Các băng cassette nhỏ gọn có hai dạng, hoặc đã chứa nội dung dưới dạng một băng cassette ghi sẵn (Musicassette), hoặc là một băng cassette “trống” có thể ghi hoàn toàn.
Đến nay đã hơn 50 năm tồn tại khó tìm thấy băng cát sét trong các gia đình nhưng trong ký ức của nhiều thế hệ đó là những món đồ đáng quý, đậm đà dấu ấn kỷ niệm xưa
Thời gian gần đây những chiếc máy cát sét cổ được rất nhiều người yêu thích và tìm mua. Nó không chỉ là thiết bị âm thanh thông thường mà đã trở thành ký ức một thời của mỗi con người, sở hữu chiếc máy này làm thỏa mãn niềm đam mê với những món đồ cổ xửa.
Những chiếc cắt sét “cổ xưa” này giường như đã đi vào tiềm thức những ai đã từng biết đến nó, bởi chất âm mộc mạc, chân thật đậm chất analog

 

Mỗi chiếc máy Cassette  “cổ xưa” có thể coi như những tác phẩm nghệ thuật, rất đẹp, rất tinh tế do các Hãng đã rất đầu tư trong sản xuất, chăm chút thiết kế từ những chi tiết nhỏ nhất, đến áp dụng những công nghệ cơ, điện tử hiện đại nhất thời điểm đó (một số công nghệ cơ, điện tử đến ngày này vẫn còn được sử dụng rộng rãi) để tạo ra những sản phẩm vượt thời gian.

và như ai đó đã từng cảm nhận:
“Tôi nghĩ, những đứa trẻ khoảng 10 tuổi ngày nay sẽ không biết băng cassette là gì. Nhưng với tôi và nhiều người đồng trang lứa, mỗi khi nghe âm thanh run, nhão cất lên từ máy phát băng cassette thì lại xúc động. Nó gợi nhớ về thời thơ ấu, chạy “lon ton” theo ông bà để được nghe nhạc, truyện cổ tích hay những bản cải lương mà mình yêu thích. Lúc ấy, tivi không thịnh hành như bây giờ, máy radio và băng cassette chiếm ưu thế. Nhà nào có điều kiện thì sở hữu, không thì “nghe ké” cho đỡ buồn. Những âm thanh đặc sệt “mùi của thời gian” ấy giúp tôi nhớ về ngày “trẻ trâu” theo cha mẹ mưu sinh trên đồng ruộng. Lúc đó, nhà tôi phải dành dụm lắm mới mua được cái máy phát nhỏ. Mỗi khi đi ruộng, làm đồng là mang theo để giải trí khi ngơi tay, chân. Cha mẹ thì thích nghe cải lương nên mở suốt, riết rồi tôi cũng “ghiền” theo.
Sự “biến mất” của băng cassette trước thị trường âm nhạc ngày càng phát triển như khép lại một chương đẹp về tuổi thơ hồn nhiên trong ký ức của nhiều người. Đã là ký ức đẹp thì dù có qua bao năm nó vẫn hiện hữu và vẹn nguyên giá trị tinh thần.
Với tôi máy Cassette như người bạn tâm tình hát những khúc nhạc xưa của các danh ca nổi tiếng ( Chế Linh, Tuấn Vũ, Giao Linh, Thanh Tuyền, Hương Lan, Phượng Mai …), hay những âm nhạc không thể thiếu trong ngày vui, ngày cưới dịp tết như Boney, ModelTalking, ABBA, Disco …

Mỗi khi chạm vào phím bấm, nút gạt, núm điều chỉnh nhìn những cuộn băng xoay tròn như bánh xe thời gian, những chiếc kim giật theo điệu nhạc, những đèn nhấp nháy chạy lên xuống theo lời ca …  ta lại được trở về miền ký ức  bởi chất âm mộc, chậm dãi, nhừa nhựa của những ca khúc vàng son thủa ấy.

Trần Hoài Linh

 

Tin Liên Quan