Nhiều năm qua, lĩnh vực tái tạo âm thanh trên thế giới đã có những bước nhảy vọt về công nghệ. Từ công nghệ analog sang công nghệ digital, từ đèn điện tử sang transistor rồi mạch tích hợp. Duy chỉ có một thứ trong bộ dàn đã hơn một thế kỷ qua hầu như ít thay đổi về nguyên lý hoạt động, đó chính là cặp loa – một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng âm thanh.
Một số loa điện động cổ lắp trong radio
Lần theo từng dấu mốc của lịch sử nghệ thuật tái tạo âm thanh, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu sự ra đời và phát triển của công nghệ chế tạo loa, thiết bị điện-âm học được coi như có lịch sử lâu đời nhất trong cả bộ dàn.
Năm 1874
Nhà nghiên cứu người Đức E.W. Siemens là người đầu tiên đã tiến hành thí nghiệm và mô tả hoạt động của một ống dây đồng có dòng điện chạy qua trong từ trường của một nam châm vĩnh cửu. Với nghiên cứu này, ông đã được cấp bằng sáng chế số No.149.797 tại Mỹ. Sau gần 3 năm tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng, Siemens đăng ký sáng chế độc quyền về chiếc loa đầu tiên trên thế giới có một màng giấy nối với một cuộn dây chuyển động. Chiếc loa đầu tiên trên thế giới có hình côn hơi loe, giống y như chiếc kèn trumpet vẫn dùng để báo thức trong các trại lính thời bấy giờ. Chiếc loa đầu tiên của ông đã được cấp bằng sáng chế độc quyền ở Đức (năm 1877) và ở Anh (năm 1878).
Năm 1901
Sau gần 30 năm kể từ khi Siemens phát minh ra chiếc loa đầu tiên, John Stroh (Anh) mới hoàn thiện màng loa giấy bằng cách gắn màng loa giấy vào một vành gân có rãnh, mà bây giờ ta gọi là gân loa. Nhờ có gân loa, màng loa được nâng đỡ tốt hơn, di chuyển dễ dàng và uyển chuyển hơn.
Năm 1908
Anton Pollak (Mỹ) đã công bố một số cải tiến về kết cấu nam châm của loa, đồng thời ông thêm vào một vành giấy xếp, đỡ ở phía dưới côn loa (gọi là nhện loa). Như vậy với gân loa và nhện loa, màng loa từ đây đã được định vị chắc chắn mà vẫn linh hoạt và mềm mại giúp tái tạo âm thanh được tốt hơn.
Năm 1911
Edwin Pridham và Peter Jensen (Mỹ) đã sáng chế ra chiếc loa điện động hoàn hảo đầu tiên trên thế giới với thương hiệu Magnavox, chiếc loa này không sử dụng nam châm vĩnh cửu mà dùng một nam châm điện để tạo từ trường cho loa. Rất nhiều hãng sản xuất loa của Mỹ cũng sử dụng nguyên lý tạo từ trường như loa Magnavox.
Loa cổ Jensen
Năm 1925
C.W. Rice và E.W. Kellogg của General Electric đã thành công trong việc nghiên cứu hoàn thiện loa điện động sử dụng ván loa phẳng. Kết quả nghiên cứu này đã được hãng RCA ứng dụng vào làm loa Rola dùng trong các máy radio chạy đèn điện tử dòng Radiola.
Năm 1926
Một bước ngoặc trong công nghệ tái tạo âm thanh với thành công của Western Electric. Hai kỹ sư của hãng là Wente và Thuras đã thiết kế ra loa nén WE 555-W có đường kính họng loa là 1 inch. Hai chiếc WE 555-W được nối với một chiếc kèn WE 16A to khổng lồ (diện tích phần miệng kèn lên tới gần 3m2) tạo nên một chiếc loa kèn toàn dải hoàn chỉnh với độ nhạy cao đến 105 dB. Nhiều thính giả thời đó đã thực sự sững sờ và bị chinh phục hoàn toàn khi nghe âm nhạc hoành tráng phát ra từ chiếc loa này trình diễn cùng ampli đèn 205 D danh tiếng, với công suất ampli vỏn vẹn chỉ có 2 W.
Loa cổ Western Electric
Năm 1930
A.L. Thuras sáng chế ra thùng loa bass-reflex (thùng loa có lỗ thông hơi). Thùng reflex cho phép nâng cao hiệu suất phát tiếng trầm của loa.
Thùng loa bass-reflex
Năm 1931
Bell Labs là hãng đầu tiên trên thế giới đã phát triển loại loa 2 đường tiếng (two way) có bộ phân tần lắp bên trong. Một loa kèn nhỏ đảm nhiệm các tần số cao, dải tần số thấp sử dụng một loa trầm 30cm. Theo mẫu này, Western Electric cũng tung ra thị trường một kiểu loa 2 đường tiếng tương tự dùng loa tép kèn WE 597A và loa bass TA 4151A.
Năm 1945
Hãng Altec Lansing lần đầu tiên sản xuất dòng loa mang tên “Voice of Theater” với 2 model là A5 và A7, bao gồm một loa bass và một loa tép với kết cấu kèn để tăng cường độ nhạy. Đây là dòng loa độ nhạy cao được phối hợp với ampli 300B và phục vụ chủ yếu cho mục đích trang âm trong các nhà hát ở Mỹ thời đó.
Năm 1954
Hãng Acoustic Research (AR) của Mỹ giới thiệu model AR-1, dạng thùng loa kín đầu tiên. Sau đó hãng tiếp tục phát triển các model nổi tiếng trong giới sành chơi là AR-2 và AR-3.
Năm 1957
Hãng Quad (Anh) tung ra thị trường loa mành tĩnh điện (ESL) toàn dải đầu tiên. Quad ESL 57 và ESL 63 là những model được nhiều người ham thích âm thanh tìm kiếm.
Loa điện động (Electrodynamic Loudspeaker)
Là loại loa phổ biến nhất. Loa có một màng giấy nối với cuộn dây đặt trong từ trường của một nam châm, khi có dòng điện âm tần chạy qua, cuộn dây dao động kéo theo màng giấy và phát ra âm thanh. Hầu hết các loa hiện đang được sản xuất là loa điện động.
Loa tĩnh điện (Electrostatic Loudspeaker)
Là loại loa với kết cấu một màng plastic mỏng được đặt trong điện trường của 2 điện cực có điện áp rất cao (hàng mấy ngàn vôn). Khi có dòng điện âm tần, màng plastic này dao động trong điện trường và phát ra âm thanh. Loa tĩnh điện có độ méo rất thấp nhưng có một nhược điểm là tái tạo âm trầm không tốt như loa điện động. Một số hãng loa như Martin Logan, Apogee, Quad, Final… đi theo công nghệ này.
Loa dải băng (Ribbon Loudspeaker)
Là loại loa có một số băng nhôm cực mỏng đặt trong từ trường của một nam châm. Khi có dòng điện âm tần chạy qua, lá nhôm dao động và phát ra âm thanh. Loa dải băng được dùng chủ yếu làm loa tép hoặc siêu tép với âm sắc rất thanh mảnh, tinh tế. Một số hãng sản xuất loa dải băng siêu tép nổi tiếng như Pioneer, Raven, CSE.
Từ một vài tên tuổi danh tiếng từ đầu thế kỷ XX đã trở thành huyền thoại, nay “làng loa” trên thế giới đã hiện diện vô số nhiều gương mặt sáng giá, tiêu biểu cho những hãng loa trẻ tuổi đầy tiềm năng sáng tạo.
Khoảng vài chục năm trở lại đây, các nghiên cứu về âm học và vật liệu mới đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, kết quả của những nghiên cứu này đã cho phép các nhà thiết kế loa đưa ra nhiều kiểu loa ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên về cơ bản, nguyên lý hoạt động của những chiếc loa đang được dùng phổ biến trên toàn thế giới vẫn không có gì thay đổi. Tất cả vẫn bắt đầu từ những phát minh, sáng chế của những nhà khoa học tài ba với ước mơ đem công nghệ phục vụ công chúng say mê âm nhạc.
THL (st)